Mang thai tuần thứ 9 đồng nghĩa với mẹ bầu vẫn đang trong khoảng thời gian của tam cá nguyệt đầu tiên. Những lưu ý về sức khỏe ở giai đoạn này khá quan trọng vì thai kỳ vẫn chưa thực sự ổn định. Hãy cùng chúng tôi điểm qua sự thay đổi của mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 9 và sự phát triển của thai nhi giai đoạn này nhé!

Xem thêm: Bà bầu ăn đêm có nên không? Làm thế nào khi bà bầu đói về đêm
Mẹ bầu mang thai tuần thứ 9 có những thay đổi gì?
Bước sang tuần thai thứ 9, lúc này có lẽ mẹ đã quen dần với việc đang mang một sinh linh bé nhỏ trong người. Vì thế, hầu hết mẹ bầu đều cảm thấy không còn bỡ ngỡ và dần quen hơn với việc mang bầu. Tuy nhiên, sẽ có những thay đổi trong cơ thể mà mẹ bầu mang thai tuần thứ 9 vẫn chưa thể nhận biết hết và làm quen. Đó là những thay đổi sau đây:
- Cảm giác mệt mỏi diễn ra nhiều và thường xuyên hơn, ngoài ra là cảm giác đau đầu, buồn nôn. Ở tuần thai này, cơ thể của mẹ đang nỗ lực hình thành nhau thai để cung cấp dinh dưỡng cho bé và điều này sẽ mất rất nhiều sức lực. Hơn nữa, tốc độ chuyển hoá và lượng hoóc-môn đang tăng cao, dẫn đến việc giảm huyết áp và đường huyết, có thể gây nên cảm giác mệt mỏi trầm trọng. Cảm giác mệt mỏi này sẽ giảm dần khi nhau thai được hình thành một cách hoàn thiện.
- Trong tuần thứ 9 mẹ bầu có thể đã tăng cân. Lúc này, tử cung của thai phụ vẫn đang tiếp tục phát triển, vì thế mẹ có thể nhận thấy vòng eo của mình ngày càng dày lên.

- Cảm giác chóng mặt, tĩnh mạch nổi rõ ở tay, chân hoặc chảy máu mũi. Nguyễn nhân của những dấu hiệu này là do lượng máu của thai phụ tiếp tục tăng. Lưu lượng máu tăng sẽ giúp bảo vệ em bé khi thai phụ đứng lên hoặc nằm xuống, chống lại sự mất máu mà thai phụ có thể gặp phải trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
- Mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn. Khi mẹ mang thai tuần thứ 9, hoóc-môn hCG tăng, lượng máu được đưa đến thận cũng tăng, dẫn đến làm tăng chức năng lọc cặn bã của thận, do vậy mẹ sẽ cảm thấy mình phải đi tiểu nhiều hơn. Ngoài ra, việc thai nhi đang phát triển và chèn ép vào bàng quang cũng có thể làm giảm khả năng chứa tiểu.
- Âm đạo xuất hiện dịch trắng đục, hoặc có lượng máu rất nhỏ… Đây hầu hết là những dấu hiệu khá bình thường, nhưng riêng việc chảy máu âm đạo thì đáng lo ngại vì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung hoặc sảy thai. Vì vậy sản phụ cần liên hệ bác sĩ ngay nếu phát hiện bị chảy máu âm đạo.
- Vị giác mẹ bầu thay đổi, trong miệng thường có vị kim loại hơi khó chịu, thi thoảng còn xuất hiện cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Việc bà bầu thay đổi vị giác khi mang thai tuần thứ 9 có thể xuất phát từ sự tăng cao của hormone thai kỳ, cộng với việc cơ thể bị rối loạn nội tiết tố gây ảnh hưởng đến vị giác. Đôi khi cũng có thể xuất phát từ sự thay đổi thói quen ăn uống của các mẹ khi mang thai khiến mẹ hay thèm ăn một số món ăn nhất định như thịt, bánh ngọt, trái cây có vị chua,…
Sự phát triển của thai nhi 9 tuần tuổi

Thai nhi 9 tuần tuổi có kích thước trung bình cỡ của một quả mâm xôi, với chiều dài đầu mông trung bình từ 2,0 – 2,2cm. Ở giai đoạn này, thai nhi đã nặng khoảng 20g và sẽ tăng cân nhanh chóng. Đầu của thai nhi vẫn có kích thước lớn hơn thân nhưng sẽ trở nên cân đối hơn trong các tuần tiếp theo.
Ngoài ra, trong tuần thứ 9, đuôi của thai nhi đã gần biến mất và được thay thế bằng hai chân và các ngón chân đã xuất hiện. Cả 4 ngăn tim đã được hình thành và các nội tạng khác đang được phát triển. Những chiếc răng sữa nhỏ và xương hàm cũng đang được hình thành.
Một số cơ nhỏ ở chân và tay đã được hình thành, vì vậy thai nhi sẽ có những cử động ngẫu hứng. Tuy vậy, mẹ không thể cảm nhận được những cử động ấy của thai nhi 9 tuần một cách trực tiếp qua bụng mà chỉ có thể nhìn thấy khi đi siêu âm mà thôi.
Nhiều mẹ thắc mắc liệu trong tuần thai thứ 9, nếu đi siêu âm, bác sĩ có thể xác định được giới tính của bé chưa? Câu trả lời là chưa thể xác định được giới tính của bé nhưng sẽ có thể thấy được một số cử động rất nhỏ của bé. Ở giai đoạn này, bạn cũng có thể nghe được nhịp tim của bé nếu thực hiện siêu âm Doppler.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ bầu mang thai tuần thứ 9
Mẹ bầu đừng quá lo lắng nếu như ở những tuần thứ 8 hoặc trước đó, mẹ chưa khám thai bởi đi khám thai ở thời điểm mang thai tuần thứ 9 vẫn không quá muộn. Hãy đến các cơ sở khám chữa của các bác sĩ chuyên khoa sản để được khám thai toàn diện. Việc siêu âm thai sẽ giúp bạn biết được khá chính xác tuổi thai…

Ngoài ra, có một số lời khuyên của các bác sĩ dành cho mẹ bầu mang thai tuần thứ 9 như sau:
- Khi đi khám thai, bác sĩ có thể đề nghị mẹ thực hiện một số loại xét nghiệm. Một số mẹ có thể lo lắng vì những thông tin cho rằng các xét nghiệm đó có thể gây hại cho bé. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng mà hãy nhờ bác sĩ tư vấn kỹ để có lựa chọn tốt nhất cho cả mẹ và bé.
- Trong tuần thai này, mẹ bầu nên giảm bớt khối lượng công việc, dành nhiều thời gian hơn để thư giãn, nghỉ ngơi. Đặc biệt, mẹ nên ngủ đủ giấc, thời gian ngủ nên dao động từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày, tránh việc thức khuya ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
- Mẹ bầu nên uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ các loại vitamin, axit folic và khoáng chất cần thiết theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể bổ sung qua đường ăn uống như các vitamin phức hợp trong các loại trái cây: cam, bưởi, kiwi, táo, chuối…, những thực phẩm chứa nhiều canxi như pho mát, bông cải xanh vì em bé đang cần nhiều canxi vào thời điểm này.
- Mẹ nên vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập thể dục nhẹ, yoga bầu, đi bộ.
- Mẹ bầu cần tránh sử dụng một số những thực phẩm không tốt cho thai kỳ như cà phê, thuốc lá, rượu bia hoặc các thức uống có cồn. Tránh ăn nhiều bánh ngọt, chất béo vì dễ gây tăng cân quá mức cần thiết hoặc sử dụng những món ăn tái, chưa nấu chín, các loại thịt nguội.
Trên đây là những cẩm nang về sức khỏe thai kỳ dành cho mẹ bầu mang thai ở tuần thứ 9. Hy vọng nó sẽ giúp các mẹ bầu nắm được một cách cơ bản để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Đừng quên theo dõi Meohay.com để biết thêm những thông tin mới nhất nhé!