Mách mẹ 6 cách trị trẻ ăn ngậm, lười nhai

Trẻ ăn ngậm, lười nhai khiến mỗi bữa ăn trở nên kéo dài. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của trẻ, là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu ngay nhé!

1. Nguyên nhân khiến trẻ ăn ngậm, lười nhai.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trẻ ăn ngậm, lười nhai:

  • Thức ăn không phù hợp với khẩu vị, sở thích của trẻ khiến trẻ ăn ngậm, lười nhai.
  • Cữ ăn dày đặc khiến trẻ luôn trong trạng thái no và không muốn ăn ở cữ tiếp theo.
  • Thói quen ăn thức ăn xay nhuyễn trong thời gian dài làm cơ nhai kém phát triền khiến trẻ ăn ngậm, lười nhai.
  • Trẻ vừa ăn vừa chơi, xem tivi, nghịch điện thoại,… gây mất tập trung trong việc nhai thức ăn.
  • Trẻ đang mắc bệnh lý về đường tiêu hóa hoặc đau họng, mọc răng, nhiệt miệng,… khiến trẻ mệt mỏi và không muốn ăn.
  • Trẻ thiếu dưỡng chất như sắt, kẽm, magie, lysine, chất xơ, đặc biệt là vitamin nhóm B,… khiến trẻ mất vị giác, ăn không ngon, lười nuốt.

Trẻ ăn ngậm nhiều trở thành thói quen gây ra nhiều hệ lụy xấu. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi tìm ra nguyên nhân trẻ ăn ngậm để có phương hướng khắc phục hiệu quả.

2. Cách trị trẻ ăn ngậm, lười nhai

2.1. Đa dạng thực đơn của trẻ

Mẹ hãy tham khảo các món ăn khác nhau phù hợp theo độ tuổi của bé, lên sanh sách và đổi thực đơn cho bé thường xuyên để giúp trẻ không bị chán với đồ ăn. Thực đơn có thể lên theo tuần và cách trang trí cũng nên bày khác nhau kích thích thị giác của bé, đồng thời tạo hứng thú cho bé trong mỗi bữa ăn.

Thay đổi thực đơn khắc phục trẻ ăn ngậm lười nhai

Đối với những trẻ lớn, mẹ có thể cho con tham gia vào quá trình chế biến, tạo hình món ăn không chỉ giúp bé kích thích sự sáng tạo mà còn giúp bé hứng thú hơn với các món ăn.

2.2. Cho trẻ “biết đói”

Bỏ đói cũng là một mẹo hay dành cho các mẹ có trẻ ăn ngậm, lười nhai. Nếu thấy con có biểu hiện không muốn ăn, ăn ngậm, lười nhai, mẹ hãy mạnh dạn dẹp bữa ăn đó đi, không cho bé ăn bổ sung hay thay thế bất kỳ đồ ăn gì khác và chờ sau khoảng 2-3 tiếng cho con ăn lại. Khi bé đói, bé sẽ rất hào hứng với bữa ăn tiếp theo. Nhưng lưu ý không được để trẻ ăn vặt quá nhiều, nhất là trước bữa ăn vì chúng có thể gây khó tiêu và mất cảm giác thèm ăn khi vào bữa chính.

Bên cạnh đó, tùy nhu cầu ăn uống của từng trẻ, mẹ nên điều chỉnh lịch ăn để các bữa ăn chính và bữa phụ của trẻ cách nhau ít nhất 2-3 tiếng giúp trẻ kịp tiêu hóa. Đồng thời, mỗi bữa ăn mẹ chỉ lấy lượng thức ăn vừa đủ để thời gian ăn của bé không quá lâu, vì khi ăn lâu thức ăn bị tiêu hóa 1 phần làm tăng đường huyết làm bé mất cảm giác đói, mất cảm giác ăn ngon miệng.

Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất trong 30 phút để giúp cho bé có tinh thần vui vẻ, tích cực với bữa ăn. Dù bé ăn được nhiều hay ít, mẹ hãy kiên nhẫn đợi bữa tiếp theo.

2.3. Cho trẻ ăn đúng độ tuổi

Mỗi độ tuổi khác nhau, con sẽ phù hợp với một dạng thức ăn khác nhau. Theo chuyên gia dinh dưỡng, ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều là nguyên nhân khiến trẻ ăn ngậm, biếng ăn. Thêm vào đó, việc mẹ chế biến thức ăn không phù hợp với độ tuổi của bé làm bé không chịu nuốt. Những bé mới tập ăn dặm sẽ hợp với cháo hoặc thức ăn xay nhuyễn, nhưng với bé 2-3 tuổi, bé sẽ thích ăn thực phẩm rắn, đặc hơn.

Vì vậy, nhiều cha mẹ vẫn giữ thói quen cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn, hoặc các loại cháo hầm, rau hầm kỹ khiến con lười nhai nuốt, và từ từ dẫn đến thói quen ngậm thức ăn. Để hạn chế tình trạng này, cha mẹ nên cho trẻ ăn đúng cấu trúc để con bớt lười ăn hơn:

  • Trẻ từ 5-6 tháng tuổi: cấu trúc thức ăn phù hợp là bột sánh.
  • Trẻ từ 7-8 tháng tuổi: Thức ăn nên được ninh mềm, nghiền sơ để trẻ có thể làm tan bằng lưỡi rồi nuốt
  • Trẻ từ 9-11 tháng tuổi: Thức ăn ninh mềm, không cần nghiền nát mà có thể cắt to khoảng 0.5cm, dài 2-3cm để trẻ tự bốc
  • Trẻ từ 12-15 tháng tuổi: Thức ăn chỉ cần nấu mềm, cắt to khoảng 0,5 cm, dài 2 – 3 cm đủ để con có thể tự nhai được.

2.4. Cho trẻ luyện thói quen ăn uống tập trung, nói không với “vừa ăn vừa chơi”

Nhiều cha mẹ vì muốn con ăn được nhiều nên cho phép con vừa ăn vừa chơi, sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, ipad,… Tuy nhiên đây là một trong những sai lầm phổ biến khiến trẻ mất tập trung vào việc ăn uống, dẫn tới tình trạng trẻ ăn ngậm xảy ra thường xuyên. Vì vậy, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen tập trung ăn cho đến khi xong mới được làm việc khác. Trong lúc con ăn, cha mẹ có thể khuyến khích con bằng cách kể chuyện vui, động viên và khen con giỏi để kích thích trẻ nuốt nhanh hơn.

Bên cạnh đó, trẻ thường hay có thói quen quan sát và bắt chước những hành động của người lớn. Vì vậy, cha mẹ có thể làm gương cho con để con học theo. Cha mẹ có thể cho con ăn cùng với gia đình. Việc mọi người cùng tập trung ăn và khích lệ trẻ làm theo cũng là một phương pháp hữu hiệu giúp con chủ động trong việc ăn, khắc phục ăn ngậm.

2.5. Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của trẻ

Nếu trẻ đang ăn uống bình thường nhưng đột nhiên xuất hiện tình trạng ăn ngậm, lười nhai, cha mẹ cần kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của con xem con có đang gặp bệnh lý gì hay không như đau họng, loét miệng,…Trong trường hợp này, cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ giúp tìm hiểu chính xác nguyên nhân. Từ đó, ta sẽ có hướng khắc phục kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho bé.

2.6. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho mỗi bữa ăn của trẻ không những giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện.

Trong tường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất của trẻ, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Nên ưu tiên các sản phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng các loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn tránh cho hệ tiêu hóa của trẻ không kịp thích nghi và hoàn động không tốt.

3. Những sai lầm trong cách trị trẻ ăn ngậm, lười nhai

Cha mẹ thường lo lắng, stress mỗi khi trẻ ăn ngậm, lười nhai nên hay mắc phải nhiều sai lầm trong cách trị trẻ ăn ngậm, lười nhai. Một số sai lầm thường gặp đó là:

 – Mẹ ép, quát con khi ăn: Trẻ ban đầu có thể ăn do sợ hãi nhưng càng ngày sẽ càng chán ghét bữa ăn, cố tình chống đối dẫn đến tình trạng ăn ngậm sẽ càng tiếp diễn.

 – Mẹ chỉ nấu ăn theo ý thích của con: Điều này có thể khiến bé ăn ngon miệng nhưng vô tình lại dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng khiến trẻ thiếu chất, biếng ăn. Vì vậy mẹ có thể thay đổi thực đơn kết hợp món bé thích ăn và món dinh dưỡng để trẻ vừa ăn ngon, vừa khỏe mạnh.

 – Cho bé uống ít nước: Cơ thể trẻ bị mất nước gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, giảm chuyển hóa gây mệt mỏi, ốm vặt, giảm vị giác, chán ăn,…

Trẻ ăn ngậm, lười nhai là hiện tượng khá phổ biến nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Thay vào đó, cha mẹ cần kiên trì áp dụng những mẹo nhỏ trên để tình trạng này tiến triển tốt hơn. Đừng quên theo dõi Meohay.com để có thêm nhiều kiến thức bổ ích chăm con khỏe mạnh nhé!

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.