Hãy dạy trẻ biết chia sẻ, đừng ép trẻ chia sẻ

Chia sẻ là một trong những kỹ năng quan trọng giúp trẻ hòa nhập tốt hơn khi trưởng thành và ra ngoài xã hội. Tuy nhiên, một đứa trẻ sẽ không tự nhiên chia sẻ đồ chơi cho một ai đó nếu chúng không muốn. Vì vậy, thay vì ép con phải chia sẻ, cha mẹ hãy dạy con biết thế nào là chia sẻ? Và khi nào cần chia sẻ? Dạy trẻ biết cách chia sẻ thật hiệu quả vào những lúc cần thiết.

Nếu ba mẹ đang muốn tìm ra phương pháp để dạy trẻ biết chia sẻ, yêu thương thì có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi!

Nên dạy con biết chia sẻ thay vì ép con chia sẻ

Thế nào là chia sẻ?

Đối với mỗi đứa trẻ khi sinh ra, khái niệm về sự chia sẻ rất trừu tượng mà trẻ không thể chạm tay vào hay nhìn thấy được. Hầu hết chúng đều không hiểu được rằng chia sẻ đồng nghĩa với sự nhường hay sự san sẻ tình thương, khoảnh khắc, đồ chơi hay đồ ăn mà chúng yêu thích. Đây là hành vi học được.

Với trẻ, những thứ tồn tại tại thời điểm chúng đang chơi/thưởng thức là được đánh dấu là “hiện diện”, đi kèm với đó là cảm xúc vui, lạ, hạnh phúc. Sự hiện diện ở đây có thể là món đồ chơi trẻ đang chơi, là khoảnh khắc được bạn yêu thương, là 1 trò chơi nào trẻ đang tham gia… Lúc này, việc 1 trẻ khác hoặc em của trẻ lấy đi sự hiện diện này thì việc trẻ đi tìm hoặc dành lại là điều dễ hiểu.

Như vậy, sự chia sẻ dưới góc nhìn con trẻ chính là sự luân chuyển của sự hiện diện giữa 2 bé đến khi trẻ nhận ra là không mất đi. Dĩ nhiên, khi đó cảm xúc sẽ đi theo sự hiện diện đó ở cả hai bé. Càng nhiều sự chia sẻ thì trẻ càng học được hành vi biết chia sẻ. Khi trẻ học được hành vi biết chia sẻ thì trẻ sẽ hiểu sự cảm thông. Khi đó, trẻ luôn có sự cảm thông. Đó là cách cha mẹ định hướng để dạy trẻ biết chia sẻ.

Nếu trẻ được làm quen một cách thường xuyên với những tình huống cụ thể về sự chia sẻ thì trẻ sẽ tự biết thời điểm cần thiết để chia sẻ và chia sẻ một cách hiệu quả. Đây là cả một quá trình rèn luyện lâu dài và bắt đầu từ những hành động, định hướng rất nhỏ của các bậc cha mẹ.

Dạy trẻ tự chia sẻ, không ép trẻ chia sẻ

Thực tế, rất nhiều cha mẹ trong mọi tình huống thường cố ép hoặc cố năn nỉ trẻ chia sẻ kiểu như “Thôi nhường em/bạn đi con, mẹ mua/ lấy cái khác cho con nhé!” thay vì dạy trẻ biết chia sẻ. Điều này không ý nghĩa gì với trẻ. Hơn nữa, dù bạn có giải thích “cái này là của bạn, con có thể chọn cái khác” cũng không thể làm trẻ hiểu. Bởi đôi khi có những thứ con chưa sẵn sàng để từ bỏ hoặc cho đi, nhưng cha mẹ lại vô tình bắt con từ bỏ, tước đi quyền được lựa chọn và yêu thích của con.

Điều này không chỉ khiến con càng không hiểu về sự chia sẻ, còn khiến con mang những cảm xúc tiêu cực khác như buồn/hụt hẫng khi sự hiện diện mất đi, thay vì vui thích trước đó. Cha mẹ nên nhớ rằng, việc bắt ép trẻ chia sẻ thì càng khó khiến trẻ tự làm điều đó sau này. Đó là cách không giáo dục.

Để giáo dục trẻ tự chia sẻ, ngay từ đầu, cha mẹ nên để con được tiếp cận, làm quen với khái niệm chia sẻ, những hành vi về sự chia sẻ. Những hành vi này cần được nhắc lại hàng ngày để trẻ dần hình thành ý niệm và nhận diện sự chia sẻ trong đầu, thay vì suốt ngày chỉ ra rả nói con phải nhường, phải chia sẻ.

Cha mẹ nên bắt đầu từ những câu chuyện hay những hành vi nhỏ về sự chia sẻ cho nhau diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thường xuyên tạo cơ hội cho trẻ thực hành sự chia sẻ đó của mình với mọi người. Trẻ sẽ dần tự rút ra cho mình những bài học về sự chia sẻ và tự tạo cho mình thói quen tốt này.

Một vài mẹo hay giúp cha mẹ dạy trẻ biết chia sẻ

Dạy trẻ biết chia sẻ là biết chờ đợi

Hãy bắt đầu với bài học về “cách đợi”. Nghĩa là mẹ cũng giải thích cho bé hiểu rằng, món đồ này không chỉ là sở thích của riêng con mà cả các bạn khác nữa. Vì thế, thay vì chơi nó một mình, con có thể chơi cùng bạn, hoặc chờ đến lượt.

Càng học được bài học về biết chờ đợi, trẻ càng nhận ra sự chia sẻ là không mất đi. Dĩ nhiên, cảm xúc hạnh phúc cũng không mất đi khi chia sẻ, chỉ là “đợi” cho đến lượt. Việc này sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều về bài học vị tha và nhân ái. Bài học về “cách đợi” này cũng có thể dạy trẻ trong những sinh hoạt đời sống hằng ngày như đi siêu thị, nhà sách.

Dùng cách diễn đạt khác

Nếu trẻ luôn từ chối chia sẻ với người khác, hãy thử sử dụng cách diễn đạt khác. Gọi hành động đó là “mượn”, “đổi lượt” thay vì “chia sẻ”. Hãy giải thích rằng cho mượn chỉ là tạm thời, hay đổi lượt có nghĩa là sau khi người bạn chơi, sẽ tới lượt trẻ chơi món đồ chơi đó. Đôi khi, sự ác cảm với chia sẻ đơn giản là trẻ không thật sự hiểu được phạm vi, ý nghĩa của từ đó.

Đừng quên rằng đồ vật và trò chơi đó là cả thế giới của con

Cha mẹ cần tôn trọng mong muốn của con. Chỉ vì con còn nhỏ và không tự mình mua những món đồ ấy thì không có nghĩa nó không phải là đồ của con. Vậy nên, nếu bạn cần mượn hoặc muốn con chia sẻ món đồ gì của con thì đừng quên hỏi con hỏi ý kiến của con trước. Và một điều quan trọng không kém là những món đồ khi bạn trả lại cần phải nguyên vẹn nhé!

Làm gương cho con về sự chia sẻ

Nếu bố mẹ muốn dạy trẻ biết chia sẻ thì bản thân bố mẹ cần là người cho con thấy chia sẻ là như thế nào. Nếu bạn đang ăn gì đó, bạn có thể để con ăn cùng mình. Con có thích tô màu với những cây bút dạ không? Bạn có thể để con dùng chúng vẽ tranh. Ngoài ra, cùng đừng quên san sẻ việc nhà với vợ/chồng của mình và để con thấy nhé! Khi con thấy những gì bạn làm thì khả năng cao là con sẽ làm theo.

Dạy cho con thấy rằng chia sẻ cũng là một việc làm thú vị

Để dạy con biết chia sẻ, cha mẹ hãy thường tổ chức những hoạt động hay tham gia những trò chơi cần có sự phối hợp, hỗ trợ, tham gia của hai hay nhiều người. Ví dụ như chơi xếp hình hay cùng nhau nấu cơm. Khi mục tiêu hoàn thành, chẳng hạn như miếng ghép được xếp xong hay món ăn được nấu xong, bạn có thể nói cho con biết việc có người khác chia sẻ cùng mình khiến cho hoạt động ấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn biết bao nhiêu.

Dạy con biết chia sẻ nhiều thứ khác ngoài đồ chơi và đồ ăn

Chứng minh rằng có nhiều thứ cần phải chia sẻ hơn, thay vì dạy con biết chia sẻ chỉ mỗi đồ ăn và đồ chơi. Bạn có thể mượn quần áo, tiền bạc, thời gian! Có thể nó không được coi là chia sẻ, nhưng hãy đảm bảo rằng trẻ có thể dành tình cảm và biết thể hiện tình cảm với không chỉ một thành viên trong gia đình. Đừng để trẻ chỉ có thời gian ôm cha, hãy chắc chắn trẻ hiểu rằng chúng có thể ôm mẹ và anh chị em cùng lúc.

Nếu trẻ đã chia sẻ, đừng quên khen ngợi trẻ

Mỗi khi trẻ biết chia sẻ, dù là tự nguyện hay ép buộc, hãy khen ngợi chúng. Đừng thưởng cho chúng vật chất, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu cho tương lai. Những lời khen ngợi là hoàn hảo vì nó làm cho trẻ cảm thấy đặc biệt. Đó là những gì trẻ tiếp tục nhận được khi trưởng thành và chia sẻ với bạn cùng lớp hay đồng nghiệp.

Cha mẹ nên nhớ, trẻ em luôn suy nghĩ theo một cách vô cùng ngây thơ, đơn giản. Nếu cha mẹ muốn định hướng suy nghĩ và có những hành động theo hướng tích cực, thân thiện thì trước tiên cha mẹ cần đứng về phía trẻ để hiểu trẻ hơn. Đó chính là chìa khóa của mọi vấn đề, trong đó có việc dạy con biết chia sẻ. Chúc cha mẹ thành công! Đừng quên theo dõi meohay.com để không bỏ lỡ những bài viết mới nhất!

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.