Cách trị rôm sảy cho bé vào mùa hè

Rôm sảy là một trong những tình trạng trẻ rất hay gặp phải, đặc biệt là vào mùa hè nước ta do khí hậu nóng ẩm. Rôm sảy mặc dù không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể làm bé ngứa ngáy khó chịu, kém ăn, ngủ không ngon giấc. Mẹ hãy áp dụng ngay cách trị rôm sảy cho bé vào mùa hè này để con mau khỏe nhé.

1. Rôm sảy là gì?

Rôm sảy là bệnh ngoài da lành tính thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Rôm sảy (còn được gọi là ban nóng hay phát ban nhiệt, mụn kê) xảy ra khi mồ hôi bị ứ đọng, không thoát khỏi da, nhất là khi thời tiết nóng hoặc ẩm ướt. Đây là một loại phát ban da vô hại nhưng rất ngứa. Nó gây ra những nốt mụn đỏ li ti, trên bề mặt có mụn nước nhỏ, hoặc mụn mủ trắng xen kẽ, thường mọc thành đám ở những nơi mồ hôi tích tụ như trán, cổ, ngực, nách, lưng, bẹn, thắt lưng và có khi xuất hiện toàn thân.

Đa phần rôm sảy là lành tính và sẽ tự hết khi tiết trời mát dịu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ hay gãi khiến những nốt này lở loét, viêm nhiễm và lâu khỏi hơn. Vì vậy, cha mẹ có thể chủ động hỗ trợ bé trị rôm sảy nhanh khỏi

2. Các dạng rôm sảy thường gặp

Bệnh rôm sảy ở trẻ em thường được chia làm các dạng như sau: 

– Rôm dạng tinh thể: Đây được đánh giá là loại rôm sảy nhẹ nhất và chỉ gây ảnh hưởng đến ống tuyến trên cùng của da. Bệnh thường gặp ở những trẻ chậm phát triển tuyến mồ hôi. Trẻ bị rôm dạng tinh thể có biểu hiện sốt cao, khi khỏi bệnh xuất hiện những mảng da bị bong tróc, không có triệu chứng viêm ngứa hoặc sưng đau. 

– Rôm sảy đỏ: Đây là loại rôm sảy hay xuất hiện vào thời điểm thời tiết nóng ẩm. Rôm đỏ ăn sâu trong da, gây ra những nốt mụn đỏ trên da, tạo ra những cơn ngứa da vô cùng khó chịu. 

– Rôm sảy mủ: Trẻ bị rôm sảy mủ sẽ thấy trên da có các nốt đỏ hoặc mụn có lông ở giữa. Nếu mụn vỡ sẽ có mủ hoặc máu chảy ra gây đau rát, ngứa ngáy và nhiễm trùng.

– Rôm sảy sâu: Khi tình trạng rôm sảy đỏ không được điều trị triệt để, bệnh có thể kéo dài và gây ra tình trạng rôm sâu, gây tổn hại nặng đến các tuyến mồ hôi và tổn thương ở lớp sâu nhất của da. Tuy nhiên, rôm sâu là dạng rôm sảy ít gặp nhất.

3. Vì sao trẻ bị rôm sảy?

Trẻ bị rôm sảy có nhiều nguyên nhân, một số nguyên nhân chính đó là:

– Tuyến mồ hôi của trẻ chưa được phát triển toàn diện nên khi gặp điều kiện thời tiết nóng ẩm của mùa hè, các tuyến mồ hôi này chưa thể bài tiết hết mồ hôi ra ngoài, dẫn đến ứ đọng mồ hôi, gây bít tắc tuyến mồ hôi dẫn đến rôm sảy.

– Trẻ thường xuyên mặc tã quá trật, quần áo không thấm hút mồ hôi gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi khiến bé bị rôm sảy.

– Mùa hè là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát triển mạnh trên da khiến cho các tuyến mồ hôi của cơ thể trẻ bị bít tắc và gây ra tình trạng rôm sảy. 

– Trẻ vận động quá nhiều, đặc biệt trong thời tiết oi nóng khiến cơ thể sẽ có xu hướng tăng tiết mồ hôi để giải nhiệt và làm tăng nguy cơ bị rôm sảy. 

Vì sao trẻ bị rôm sảy?

4. Cách trị rôm sảy cho bé

4.1. Sử dụng phấn rôm trị rôm sảy

Trong phấn rôm có chứa muối canxi và kẽm, có công dụng phòng và trị rôm sảy, chữa lành vết thương do côn trùng đốt. Do vậy, mẹ có thể lựa chọn phấn rôm của những thương hiệu uy tín sử dụng cho trẻ. Khi sử dụng phấn rôm trị rôm sảy, mẹ nên lưu ý những quy tắc sau:

  • Mẹ nên đổ phấn rôm lên tay và xoa nhẹ lên da bé, hạn chế tình trạng phấn không đều. Không để phấn rôm tiếp xúc trực tiếp với bộ phận sinh dục của trẻ.
  • Không nên mở quạt hay ngồi gần cửa sổ khi đang đổ phấn trên tay để tránh làm bé hít phải bột phấn, có thể gây viêm phổi.
  • Không sử dụng quá nhiều phấn ở những vùng có ngấn như cổ, nách, bẹn…Lượng phấn dư thừa có thể kết hợp với mồ hôi gây kích ứng da bé.
  • Không thoa phấn rôm cho trẻ khi trẻ đổ nhiều mồ hôi dễ gây bết dính, bít tắc lỗ chân lông.
  • Ngưng sử dụng ngay nếu nhận thấy da bé có nổi các mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy.
  • Để phấn rôm ở xa tầm tay của trẻ, tránh để bé nghịch làm đổ phấn rôm.
Sử dụng phấn rôm trị rôm sảy cho bé đúng cách

Trường hợp trẻ bị rôm sảy kéo dài từ 7 – 10 ngày trở lên, lan rộng toàn thân hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: Da sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ chảy ra, sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh… cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, tránh để lại biến chứng.

4.2. Tắm nước lá cho trẻ

Cha mẹ có thể sử dụng các loại lá tắm mát dân gian để trị rôm sảy cho trẻ. Một số loại rất dễ tìm kiếm như: lá khế chua, lá dâu tằm, chè xanh, mướp đắng, cây sài đất,… Tuy nhiên khi sử dụng lá tắm, mẹ đừng quên những lưu ý sau:

  • Các loại lá phải được rửa sạch trước khi nấu nước tắm cho bé. Mẹ có thể ngâm nước muối để rửa lá, loại bỏ bẩn và vi khuẩn trên lá trước khi nấu.
  • Nên tắm bằng sữa tắm chuyên cho bé trước khi sử dụng nước lá vì nước lá không hòa tan chất nhờn trên da bé, việc làm sạch da không đạt hiệu quả cao như các loại nước tắm chuyên dụng.
  • Sau khi tắm nước lá xong nên tráng lại cho bé bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của nước lá đọng trên da bé.
  • Không tắm nước lá khi da bé có dấu hiệu trầy xước, mưng mủ, viêm nhiễm…
  • Không thêm quá nhiều muối hoặc chanh tươi vào nước tắm của bé vì có thể gây xót và kích ứng da.
  • Không tắm nước lá quá đặc, nên pha loãng để lượng bột của lá không đọng trên da bé, dễ gây viêm nhiễm, dị ứng.
Các loại lá tắm trị rôm sảy cho bé tại nhà

5. Phòng ngừa rôm sảy cho bé

Tình trạng rôm sảy ở trẻ rất hay gặp nhưng mẹ cũng có thể chủ động phòng tránh cho bé bằng cách để cơ thể của bé mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra nhiều, chống viêm da. Một số cách cha mẹ có thể chủ động phòng ngừa rôm sảy cho trẻ tại nhà vào mùa hè như:

  • Chọn quần áo, tã lót cho trẻ với chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Thường xuyên thay quần áo cho bé nêu bị ướt do mồ hôi.
  • Đảm bảo không gian phòng thoáng mát và thông gió.
  • Tránh đưa trẻ đến những nơi đông đúc, ngột ngạt, nóng bức, bí gió, đặc biệt là vào khung giờ 10h đến 15h.
  • Tắm rửa cho trẻ thường xuyên từ 1- 2 lần để đảm bảo làn da của trẻ sạch sẽ, mát mẻ, lỗ chân lông được thông thoáng. Không nên tắm quá nhiều có thể khiến trẻ bị cảm lạnh.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, nên bổ sung những loại nước có nhiều vitamin C, đồng thời hạn chế uống nước nhiều đường. 
Phòng ngừa rôm sảy cho bé

Trên đây là những lời khuyên giúp cha mẹ phòng ngừa cũng như cách trị rôm sảy cho bé vào mùa hè, giúp bé giảm ngứa khó chịu do rôm sảy, ăn ngon, ngủ ngon hơn. Đừng quên theo dõi Meohay.com để biết thêm nhiều thông tin bổ ích khác nhé!

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.