Xã hội hiện đại, cuộc chạy đua thành tích ngày càng lớn, cùng với đó quan điểm giáo dục con cái của các bậc phụ huynh ngày càng bộc lộ những xu hướng tiêu cực, nhất là tình trạng bảo bọc con cái. Nhân danh sự yêu thương và giúp đỡ con, nhiều cha mẹ hiện nay vô tình can thiệp quá sâu vào cuộc đời của con trẻ về mọi mặt, khiến con không biết mình là ai và mất phương hướng…
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một vài biểu hiện và những hậu quả đáng tiếc của việc bao bọc con quá mức mà nhiều cha mẹ đã và đang làm vô tình ảnh hưởng lớn đến tương lai của con cái. Cha mẹ hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và thay đổi ngay nhé!
Những biểu hiện của việc cha mẹ bảo bọc con quá mức
Làm hết việc nhà, kể cả những việc cá nhân của con
Một đứa trẻ lớn lên luôn tỏ ra loay hoay với những công việc đơn giản trong cuộc sống như lau nhà, rửa bát, giặt quần áo…, ngay cả những việc cá nhân chính là hình ảnh tương lai của một đứa trẻ không được cha mẹ dạy làm việc nhà từ nhỏ. Chì vì muốn con dành thời gian chuyên tâm cho việc học, bao bọc con quá mức, cha mẹ vô tình biến con thành 1 đứa trẻ lười biếng, ỉ lại, sống dựa dẫm vào người khác.
Vì thế, ngay từ nhỏ, các cha mẹ hãy để các con được làm việc nhà, những việc phù hợp với sức của con và dạy con tự làm những việc cá nhân. Điều đó giúp con có những trải nghiệm và khả năng tự giải quyết nhiều vấn để của mình trong cuộc sống. Trẻ sẽ có trách nghiệm hơn, mai sau con ra ngoài xã hội sẽ không bị bỡ ngỡ, vụng về nữa.
Bênh con chằm chặp khi con mắc lỗi
Một biểu hiện thường thấy ở những cha mẹ yêu thương, bao bọc con quá mức chính là thường xuyên khen con và bênh con chằm chặp trong mọi tình huống. Thay vì phân biệt đúng sai, không ít những ông bố, bà mẹ sẵn sàng lao vào ăn thua với những đứa trẻ khác vì luôn nghĩ “con tôi ở nhà ngoan lắm” rồi quy kết mọi đứa trẻ khác là sai khi mâu thuẫn với con mình.
Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi làm như vậy con cái của bạn sẽ không bao giờ nhận ra lỗi lầm của bản thân, luôn nghĩ mình làm đúng và có quyền được phán xét, ăn thua với người khác. Tương lai, con sẽ dễ trở thành người bảo thủ, không biết lắng nghe hay phân biệt phải trái, không nhận được sự yêu quý chỉ vì luôn sống ích kỷ và hẹp hòi.
Xem thêm: Cách giúp cha mẹ xử lý khi trẻ nói tục, chửi bậy
Không cho con quyền thất bại
Đôi khi, nhiều cha mẹ chỉ vì muốn bản thân trở nên hoàn hảo và không thất bại trong việc làm cha mẹ nên đã vô tình gieo rắc tư tưởng không được phép thất bại lên con cái. Ví dụ như không cho phép con đạt điểm kém, con không được xếp sau bạn, không được phép lười học, buông lỏng…
Điều này chỉ chứng minh cha mẹ bạn đang bao bọc con quá mức. Thay vì thế, hãy để con được trải nghiệm sự thất bại và nhìn con đứng lên. Có thể con sẽ làm cha mẹ ngạc nhiên nếu bạn cho con cơ hội được làm lại, sửa sai, hoặc ít ra con sẽ nhận ra được những bài học quý giá.
Cha mẹ an ủi con quá mức
An ủi con cái khi con vấp ngã hoặc gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống hẳn là một việc nên làm của các bậc cha mẹ. Nhưng đừng tìm cách dỗ dành con quá mức mà đáp ứng những yêu cầu không hợp lý của con.
Rất nhiều bậc cha mẹ để dỗ dành con mà mua cho con 1 thứ gì đó ví dụ như que kem, trò chơi, gói bim bim, thậm chí là tiền… Như vậy đứa trẻ sẽ hiểu rằng chỉ cần mình khóc, tỏ ra mệt mỏi là sẽ có được mọi thứ. Chúng sẽ không còn cố gắng trở nên ngoan và hiểu chuyện nữa.
Thay vào đó, hãy động viên con bằng lời nói, bằng cử chỉ hoặc đơn giản là ôm con vào lòng, chắc chắn chúng sẽ nhận được tình yêu thương của cha mẹ thay vì những thứ vật chất kia.
Quản lý tình bạn, các mối quan hệ của con
Cha mẹ đừng bao bọc con quá mức đến nỗi muốn tìm bạn tốt cho con hay quản lý tất cả những mối quan hệ của chúng. Bởi khái niệm bạn tốt của người lớn và con trẻ là khác nhau. Đôi khi bạn thấy tốt cho con nhưng con bạn thì không.
Hãy để con được tự do lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn mối quan hệ tốt để xây dựng. Cha mẹ có thể can thiệp khi cần thiết nếu tình bạn đó có hại, ví dụ đứa trẻ đó gây tổn thương cho con bạn về thể chất hay tinh thần, thì bạn cần chỉ ra cho con biết ngay lập tức.
Liên tục kiểm tra con
Không ít cha mẹ thường xuyên quản lý về mặt thời gian và các hoạt động học hành, vui chơi của con cái. Đơn cử như với các bé nhỏ, cha mẹ thường xuyên gọi điện thoại cho giáo viên của con để cập nhật tình hình của con ở lớp. Với các bé lớn hơn, cha mẹ quản lý cả giờ giấc đi chơi, gọi điện theo giờ, thậm chí con chơi gì, với ai, các hoạt động gì… cũng phải báo cáo tường trình cho bố mẹ thường xuyên.
Đây là biểu hiện của cách quan tâm, bao bọc con quá mức khiến làm hại con nhiều hơn là yêu con. Bởi điều đó chỉ cho thấy cha mẹ đang không có lòng tin ở con, khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, áp lực vì luôn bị giám sát như 1 tội phạm. Lâu dần dễ khiến trẻ trở nên dối trá, bao biện, chống đối và xa cách chính những người thân của mình.
Không cho con làm điều mới
Đôi khi, chỉ vì muốn bảo vệ con, luôn muốn con ở trong vùng an toàn mà nhiều cha mẹ ngăn không cho con khám phá những điều mới lạ, không cho con được phát huy sở trường, năng khiếu. Ví dụ như ngăn cản khi con muốn chơi trò chơi mới hay tham gia các hoạt động ngoại khóa xa nhà cùng các bạn. Hay buộc con phải thi vào trường mà con không thích, học ngành học, bộ môn mà con không đam mê… vì nghĩ rằng điều đó không phù hợp với truyền thống gia đình, không có tương lai, vô bổ hoặc tốn tiền…
Nhưng nhìn vào thực tế, từng có rất nhiều người đã thành công khi đi theo con đường sở thích, năng khiếu của mình. Vì thế, đừng vùi dập ước mơ, mong muốn của con cái, hãy để con bạn tự quyết định theo sở thích và đam mê của chúng. Con sẽ tận hưởng tự do và trở nên tự lập hơn, điều mà tất cả cha mẹ đều muốn cho con.
Chạy điểm, chọn trường cho con
Làm cha mẹ, con cái học giỏi, được học ở trường tốt nhất, có thành tích cao nhất là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ buộc làm tất cả chỉ để chạy điểm, chọn trường tốt cho con, bắt con mình phải mặc một chiếc áo quá rộng so với bản thân con.
Cha mẹ bao bọc con quá mức như vậy chỉ khiến con thêm áp lực và gánh nặng học hành. Xin hãy nhìn nhận đúng năng lực, sở trường và tôn trọng mong muốn của con. Đừng vì trường chuyên lớp chọn hay vì tiếng tăm của trường mà ép con phải theo quan điểm cá nhân của cha mẹ. Điểm số chưa phải là toàn bộ, do vậy đừng vội lo lắng khi con bị điểm thấp, điều quan trọng hơn cả là hãy xem con tự lập, tự xử lý việc này, tự rút kinh nghiệm và tự có ý thức chăm chỉ học hành hơn.
Hậu quả nặng nề của việc bao bọc con quá mức
Rút ngắn tuổi thọ của con cái
Chắc hẳn nhiều phụ huynh sẽ phải bất ngờ và nhìn lại bản thân mình nếu như biết sự bao bọc con quá mức ở hiện tại có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là tuổi thọ của con cái.
Điều này đã được nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu tâm lý học đến từ Đại học São Carlos được công bố trên tạp chí Scientific Reports trên nhóm những phụ huynh có cách can thiệp quá sâu vào chuyện học tập, đời sống cá nhân và chuyện riêng tư của con.
Nghiên cứu đã chỉ ra đây là kiểu quan hệ không bền vững, bởi đứa trẻ sẽ có xu hướng sợ cha mẹ, dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau như thói quen không lành mạnh. Một số công trình cho thấy tỷ lệ lạm dụng rượu bia và ma túy ở nhóm trẻ này gia tăng, nguy cơ rối loạn tâm thần cao hơn. Các tình trạng tâm lý như căng thẳng, áp lực tương quan chặt chẽ với việc giảm tuổi thọ.
Dễ gặp các vấn đề sức khỏe
Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Bang Florida (Mỹ) cho thấy những đứa trẻ thường xuyên được cha mẹ “cầm tay chỉ dẫn”, thậm chí làm thay phần con sẽ có xu hướng gặp các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu kiến thức về cách quản lý sức khỏe và chăm sóc bản thân.
Khi lớn lên, nếu không còn sự chăm sóc, nhắc nhở của cha mẹ, các em sẽ không quan tâm đến sức khỏe của mình, không biết cách chữa lành chúng và chỉ làm cho tình hình trở nên cấu đi.
Dễ phụ thuộc vào các loại thuốc
Những đứa trẻ lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ thường không quen chịu đựng cơn đau hoặc sự khó chịu. Ngoài ra, các em đã quen với việc được xoa dịu ngay lập tức. Điều này có thể lý giải cho các em thường tìm đến thuốc và dễ bị phụ thuộc vào nó.
Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Tennessee (Mỹ) cho thấy những sinh viên từng được cha mẹ bao bọc quá mức có nguy cơ cao phải dùng thuốc để điều trị chứng lo âu hoặc trầm cảm. Một số người cũng tìm đến thuốc giảm đau như một cách để thư giãn. Ảnh: Ảnh: Greater Good Science Center.
Dễ gặp vấn đề tâm lý, tình cảm
Điều này thực sự dễ hiểu, bởi một đứa trẻ được cha mẹ bao bọc thường lớn lên mà không biết cách điều tiết cảm xúc, nhất là khi gặp những cú sốc trong cuộc sống vì người lớn đã làm thay các em rồi. Việc thiếu kỹ năng điều chỉnh cảm xúc sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khi trưởng thành của các em.
Thậm chí, một nghiên cứu vào năm 2013 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Mary Washington (Mỹ) còn chỉ ra những sinh viên đại học sống cùng cha mẹ bao bọc con quá mức có nhiều khả năng mắc trầm cảm hơn bình thường. Đối tượng này chia sẻ họ cảm thấy ít hài lòng với cuộc sống của mình.
Thiếu kỹ năng chủ động, sẵn sàng
Những đứa trẻ được cha mẹ bao bọc quá mức thường được “lập trình” sẵn mọi việc và buộc phải tuân theo. Vì thế, khi trưởng thành, các em không sẵn sàng để đối phó với những biến cố trong cuộc sống theo cách của chúng, đồng thời thiếu đi kỹ năng tự điều chỉnh và thích nghi với cuộc sống, ỉ lại dựa dẫm vào người khác. Bởi chúng đã quá quen được cha mẹ dọn dẹp “đống lộn xộn” của mình đến nỗi cảm thấy bất lực khi đối mặt với những thách thức nhỏ chứ chưa nói đến những trở ngại lớn.
Ngoài ra, nghiên cứu năm 2014 của Đại học Colorado (Mỹ) cho biết những đứa trẻ này dễ thiếu đi khả năng kiểm soát bản thân và không biết tạo động lực cố gắng. Các em thường trì hoãn và không có sự chủ động trong công việc.
Tự cho mình là trung tâm
Khi cha mẹ bao bọc con quá mức, trẻ có xu hướng tự cho rằng chúng là trung tâm của vũ trụ. Điều đáng nói là suy nghĩ này sẽ khó biến mất khi trẻ trưởng thành. Nhiều bé khi lớn lên vẫn mang tâm lý bản thân là trung tâm, có quyền điều khiển mọi thứ và được hưởng những điều tốt nhất.
Điển hình cho điều này chính là nghiên cứu của Đại học Arizona. Họ còn chỉ ra trẻ được bao bọc quá mức dễ cảm thấy thất vọng, đau khổ nếu yêu cầu của bản thân không được đáp ứng hay quyết định của chúng không được lựa chọn.
Nói dối
Nếu cha mẹ không muốn con lớn lên quen với sự dối trá, chống đối thì ngay bây giờ hãy hạn chế bao bọc con quá mức. Bởi nếu con cảm thấy ngột ngạt sự bao bọc của cha mẹ, chúng có thể bắt đầu nói dối. Nếu trẻ cảm thấy không thể đối mặt với áp lực từ những kỳ vọng không thực tế hoặc từ những quy tắc nghiêm ngặt, trẻ có thể bóp méo sự thật để thao túng kết quả và thay đổi phản ứng dự đoán của cha mẹ.
Có thể kết lại rằng, việc bao bọc con quá mức thực sự không tốt đối với con cái, nó còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đáng tiếc đối với tương lai của con trẻ. Vì thế, mỗi bậc phụ huynh cần nhận thức về phương pháp nuôi dạy con đúng đắn, phù hợp để con phát triển tốt nhất và không trở thành những ‘cỗ máy vô tri’ khi bước ra ngoài xã hội. Đừng quên theo dõi meohay.com mỗi ngày để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!